Bảo dưỡng đàn guitar – những điều cơ bản
Bảo dưỡng đàn guitar là vấn đề thường ngày, ai chơi đàn đều phải biết ít nhiều, phạm vi bài viết này sẽ giới thiệu những bước thường gặp trong quá trình sử dụng đàn guitar điện và guitar gỗ
Lau chùi đàn guitar
Tập thói quen lau chùi đàn trước và sau khi tập để giúp đàn luôn sạch sẽ, các dây sẽ lâu bị sét, cần đàn lâu bị bám bụi…. Bạn có thể dùng khăn , vải hoặc miếng lau chùi chuyên dành cho guitar đều tốt cả
Thay dây đàn
Tùy theo từng loại đàn bạn sẽ có cách thay dây khác nhau, hãy học thành thục cách thay dây tránh làm tổn thương cây đàn vì dùng nhiều lực khi vặn, siết sẽ làm các ốc vít bị mòn hoặc nứt. Đây là công việc “lâu lâu” mới làm nên bạn cố gắng thật tỉ mỉ, chăm chút nhé. Nhớ xem kỹ từng dây đàn để tránh trường hợp lắp sai vị trí (dây 1 và dây 2)
Trong bước này bạn cũng cần lau chùi thật kỹ (các vị trí “khó chạm đến” khi đã lắp dây vào) như rãnh gần con ngựa, pickup, các phím đàn …
Lên dây đàn sau khi thay dây
Việc lên dây ngay khi thay dây rất quan trọng vì nó cho bạn biết có sai sót gì ở bước trước đó hay không, có thể miếng chặn bị lệch hoặc bị đôn cao hơn , ốc ngay con ngựa (guitar điện) bị xê dịch … dẫn đến dây đàn bị cao so với cần (action), các nốt không chuẩn (dây buông thì chuẩn nhưng khi bấm ngăn 12 thì nốt đó bị thiếu hoặc dư) …
Dùng máy chinh dây để có kết quả chính xác nhất
Cân chỉnh Truss Rod khi cần đàn bị cong
Truss rod là một thanh thép nằm giữa cần đàn và mặt phím, giúp tăng độ vững chắc cho cần đàn và cho phép ta chủ động điều chỉnh được những biến đổi của cần đàn như cong, vênh.
Vị trí đầu vặn chỉnh truss rod
Dùng dụng cụ thích hợp (thường kèm theo đàn khi mua) để cân chình
Cách kiểm tra cần đàn: trên dây 6 của đàn , tay trái bấm chặt dây vào phím 1 và tay phải ấn vào phím 14. Nếu có khoảng cách thì cần võng, nếu không có khoảng cách tức là cần thẳng hoặc ưỡn
Vị trí đặt guitar
Điều này cực kỳ quan trọng nhưng rất ít người quan tâm, bạn có thể treo đàn hoặc có giá đỡ là tốt nhất. HÃY dành cho cây đàn của bạn 1 góc nhỏ nơi đó hạn chế được bụi bặm, độ ẩm, nhiệt độ cao, ít có khả năng bị va đập
Những góc riêng như thế này rất an toàn cho cây đàn của bạn
TRÁNH NGAY VIỆC ĐỂ ĐÀN NHƯ HÌNH BÊN DƯỚI
Bạn có thể tránh việc tốn quá nhiều thời gian để bảo dưỡng, sữa chữa những thứ lặt vặt suốt ngày bằng cách ghi nhớ
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
- NHỜ người có kiến thức, kinh nghiệm hoặc tiệm đàn có uy tín tư vấn cho bạn, nếu bạn không rành HÃY HỎI CẶN KẼ những thắc mắc
- KHÔNG bao giờ mua đàn guitar mà bạn chưa chơi thử (mua online, nhờ bạn mua dùm …) vì khi bạn chưa có nó trong tay, chưa ôm, chưa đánh … thì nó chưa hẳn phù hợp với bạn. Trừ trường hợp bạn mua ngay kiểu đàn mà mình đã từng chơi qua
- KHÔNG bao giờ mua đàn ở những nơi không chuyên như trong nhà sách, quầy lưu niệm … vì chúng chỉ “để ngắm” mà thôi
- KHÔNG bao giờ tự sửa chữa đàn nếu bạn không chắc là mình đang làm gì vì có thể sẽ làm tình trạng tồi tệ hơn
- KHÔNG cho người khác mượn đàn khi bạn biết rằng anh ta không biết đàn hoặc quá nghiệp dư. Vì sao? Họ nghĩ cây đàn cũng như cuốn sách, đĩa nhạc hay cái bàn, cái ghế … mà thôi, bạn sẽ nhận ra sai lầm khi thấy cây đàn với vài vết xước, hay tệ hơn là bị dính thức ăn, nước uống 👿
Nhìn vào tình trạng cây đàn này, bạn biết chủ nhân của nó bảo dưỡng guitar ra sao