8 điều cần nhớ cho người mới học đàn ghi ta
1/ Khởi động trước khi tập
Khởi động nhẹ nhàng các khớp vai, cổ tay, ngón tay …giúp chúng trở nên linh hoạt và tránh bị tổn thương khi tập luyện lâu dài.
Thư giãn, hít một vài hơi thật sâu trước khi tập. Khi bộ não của bạn tập trung một vài điều mới cùng một lúc, chúng ta có xu hướng giữ hơi thở không đúng nhịp. Do đó hãy tập hít thở đều, sâu sẽ giúp bạn “lâu mệt” hơn và tập trung hơn
2/ Mua máy chỉnh dây đàn (Tuner)
Thông thường người mới học đàn ghi ta để lên dây đàn cho chuẩn là một “cực hình”, đặc biệt khi không có dụng cụ hỗ trợ. Hãy mua ngay 1 tuner (máy chỉnh dây đàn) nó sẽ giúp bạn đỡ tốn thời gian và có âm thanh chuẩn. Điều này không có nghĩa là tôi khuyên bạn không dùng “đôi tai” của mình nhé, quá trình tập luyện lâu dài sẽ giúp bạn có độ cảm âm tốt và khi đạt mức nào đó bạn có thể chỉnh dây đàn mà không cần tuner.
3/ Chuẩn bị chổ tập, dụng cụ sẵn sàng
Không gian yên tĩnh, thoải mái, bàn, ghế, đàn ghi ta, máy tính … hãy chuẩn bị tất cả mọi thứ để khi cần là có ngay, không bị gián đoạn trong lúc tập luyện. Nếu có camera ghi hình trong lúc tập là tuyệt nhất vì bạn có thể nghe/ xem lại mình đã đánh như thế nào ở 1 góc độ hoàn toàn khác. Nếu không thì hãy chuẩn bị tấm gương đặt đối diện lúc tập cũng rất tốt.
Hãy tập chỉnh dây đeo đàn cùng 1 mức cho dù bạn đang tập ngồi hay đứng, điều này quan trọng vì đa phần chúng ta khi tập đàn thì ngồi, nhưng khi biểu diễn lại đứng . Có rất nhiều bạn đã chia sẽ khó khăn này với tôi, do đó hãy tập ngay từ đầu đi nhé
4/ Chọn tập bài đơn giản
Hãy cố gắng hoàn thành bài tập đơn giản một cách “chính xác” nhất. Rất nhiều bạn chỉ đánh “ra tiếng” nhưng nhịp, phách … lung tung thì cũng không đạt. Ngay cả bài tập đơn giản nhất khi được đánh nhiều lần cũng sẽ hay hơn, thử nghe bạn mới tập đàn và một nhạc công chuyên nghiệp đánh cùng một bài, bạn sẽ thấy sự khác biệt ngay.
Những bài tập đơn giản là cách tốt để bạn nhận ra giai điệu, hợp âm, nhịp một cách rõ ràng nhất.
5/ Không tập khi đang mệt/ căng thẳng
Bạn có thể luyện tập khi đang bị căng thẳng? Dĩ nhiên là không rồi. Khi bạn đang trong tình trạng không thoải mái, đừng tập luyện, hãy đi bộ, uống cafe, nghe nhạc … thậm chí ngủ hay bất cứ điều gì giúp bạn “lấy lại cảm hứng”
6/ Tập chung, thảo luận với những tay ghi ta khác
Chắc chắn khi bạn đánh chung với những tay ghi ta khác bạn sẽ thấy nhiều “vấn đề” của bản thân cần khắc phục, nên kiếm người chơi hay hơn bạn để nhận được nhiều lời khuyên hữu ích. Tham gia các forum chuyên đề về ghi ta, đọc các bài viết để mở rộng kiến thức về thể loại bạn thích, đặt câu hỏi để có câu trả lời tốt nhất.
7/ Đừng mong ước “điều kỳ diệu”
Sẽ mất nhiều thời gian để trở thành tay ghi ta giỏi, bạn đừng mong ước quá sớm điều đó diễn ra với mình
Sẽ luôn có một ai đó có sự hiểu biết về nhạc lý, kỹ thuật, trình diễn hay phong cách khác hơn bạn, giỏi hơn bạn vì âm nhạc là một chủ đề sẽ luôn luôn dạy những điều thú vị mới. Không có “tay guitar tốt nhất trên thế giới”, những người chơi ghi ta nổi tiếng vì họ tạo ra phong cách chơi nhạc đặc trưng từ kỹ thuật, lối đánh, trình diễn… Bạn nên theo đuổi loại nhạc bạn đam mê, luyện tập chăm chỉ và luôn cố gắng hơn nữa, sẽ có lúc bạn bè nhận ra tiếng đàn của bạn khi nghe trên radio đấy
8/ Luyện tập khi nghe nhạc
Khi bạn nghe nhạc, hãy thử đếm nhịp, quảng và lắng nghe những thay đổi hợp âm (trưởng, thứ, 7). Cố gắng tách bài hát thành các phần, đoạn “đầu” hoặc riff chính, điệp khúc, solo, outro… Nhịp chân, búng tay theo giai điệu để cảm nhận sự thay đổi nhé